Thủ tướng: Nông nghiệp cần dữ liệu dự báo đầu ra thị trường

13/01/2023 16:01

Để nông dân không còn chịu cảnh "được mùa mất giá", theo Thủ tướng, cần xây dựng dữ liệu để đưa ra các dự báo thị trường.

Tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp ở Hà Nội hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá ngành đã có một năm phát triển mạnh bất chấp khó khăn. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cao kỷ lục trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao. Thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế...

Năm 2022, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp đã có nhiều bứt phá và theo Thủ tướng, mang lại nhiều giá trị tích cực, là trụ đỡ cho nền kinh tế. "Cần đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp theo tư duy kinh tế nông nghiệp để có một nền kinh tế độc lập tự chủ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sáng 13/1. Ảnh: Tùng Đinh

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu sáng 13/1. Ảnh: Tùng Đinh

Để nông sản Việt nâng cao giá trị, theo ông, cần gắn sản xuất với thị trường, chế biến, chuỗi giá trị gia tăng và coi trọng việc xây dựng thương hiệu. Còn để nông dân không còn chịu cảnh "được mùa mất giá", theo Thủ tướng ngành nông nghiệp cần xây dựng dữ liệu để đưa ra các dự báo thị trường.

Ông dẫn chứng, phía Mỹ thường đưa ra các dự báo nông nghiệp rất sát thực tế giúp nông dân sản xuất đúng theo nhu cầu thị trường. Cụ thể, họ có các dự báo về sản phẩm như bông, ngô... Khi thấy thị trường bông bão hòa họ kêu gọi nông dân giảm trồng bông, tăng trồng ngô và ngược lại.

"Việt Nam cần làm các dự báo tương tự để hỗ trợ cho người nông dân sản xuất đúng theo nhu cầu, đảm bảo đầu ra", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Dự báo năm nay, Thủ tướng đánh giá nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh, các tác động từ xung đột Nga - Ukraine... Do đó, ông đề nghị các bộ ngành phối hợp để đưa ra các hướng phù hợp với thực tiễn. Với thủy sản, cần kiểm soát thẻ vàng IUU dứt điểm. Trong hoạt động đầu tư, cần nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số công trình nông nghiệp nhanh và hiệu quả hơn.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, cơ quan này và các bộ ngành sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, định hướng sản xuất nông sản theo hướng chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. Nhờ nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều địa phương giờ đã thay đổi cách tiếp cận về nông nghiệp, chuyển từ nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.

Năm nay, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD, trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng khó đoán. Hàng loạt cảnh báo liên tục được đặt ra về sự sụt giảm của các đơn hàng quốc tế như là nhóm mặt hàng gỗ, lĩnh vực chiếm khoảng một phần ba tổng giá trị xuất khẩu. Theo ông Hoan, toàn ngành nông nghiệp đã nêu cao tinh thần sẵn sàng với mọi tình huống.

Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết sẽ đề xuất hai bộ (Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành sản xuất để nâng tầm nông sản Việt; xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại biên giới, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc...

Lãnh đạo các Sở Nông nghiệp cho biết, năm nay các địa phương ngoài đẩy mạnh các đặc sản vùng miền những nơi có tiềm năng phát triển du lịch sẽ gắn chặt nông nghiệp với phát triển du lịch, hình thành ngành kinh tế xanh.

Thi Hà

Bạn đang đọc bài viết "Thủ tướng: Nông nghiệp cần dữ liệu dự báo đầu ra thị trường" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email info.vstarmedia2018@gmail.com