Cảnh báo lừa đảo qua mạng trong mùa Covid

03/09/2021 05:07

Các đối tượng lập Facebook giả danh nạn nhân rồi nhắn tin, dụ dỗ các nạn nhân chuyển tiền. Đây là chiêu lừa đảo tinh vi khiến nhiều khổ chủ phải lao đao trong mùa dịch Covid-19.

Các đối tượng lập Facebook giả danh nạn nhân rồi nhắn tin, dụ dỗ các nạn nhân chuyển tiền. Đây là chiêu lừa đảo tinh vi khiến nhiều khổ chủ phải lao đao trong mùa dịch Covid-19.

Lập Facebook giả người khác để lừa đảo

Những ngày qua, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của người dân cả nước. Thế nhưng, ông Trần Thanh Huy (Hiệu trưởng Trung tâm phát triển tài năng Ngôi Sao Nhỏ - Alpha Star) rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn giấc ngủ vì xuất hiện hàng loạt Facebook giả danh ông Huy để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chia sẻ với PV, ông Huy cho biết, ông cũng có tham gia mạng xã hội Facebook và chỉ dùng duy nhất 1 tài khoản facebook.com/thongdiephuytran được đăng ký bởi số điện thoại chính chủ 0819908XXX. Thế nhưng, thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện Facebook có tên Nguyện Tran sử dụng hình ảnh của ông Huy. Facebook này giới thiệu bản thân làm bác sĩ tim mạch tại Trinity Hospital, sinh sống tại Birmingham Alabama.

lua 1 Facebook chính chủ của ông Huy

Để tìm kiếm các nạn nhân, Facebook này thường vào các hội nhóm dành cho phụ nữ để kết bạn. Sau khi lấy được thiện cảm với nạn nhân, Facebook này dựng lên các câu chuyện như gửi quà tặng có giá trị cao ở nước ngoài cho nạn nhân. Tuy nhiên, nếu muốn nhận quà thì các nạn nhân phải chi một số tiền lớn. Trong các tin nhắn gửi cho các nạn nhân, Facebook này gửi các tài khoản mở tại các ngân hàng TMCP trong nước có tên: PHAM QUOC HUY, DO QUANG TIEN. Thậm chí, để gây chú ý với các nạn nhân, Facebook này còn đưa ra một hộ chiếu có hình ông Huy nhưng tên là NGUYEN DUONG.

Cũng theo ông Huy, ngoài Facebook trên, trên Facebook còn xuất hiện hàng loạt Facebook khác cũng lấy các hình ảnh của ông Huy để làm ảnh đại diện gồm: Tran Nguyen Josiah, Vũ Mão, Trân Nguyện Josiah... Facebook Tran Nguyen Josiah giới thiệu bản thân đến từ Hà Nội. Facebook Trân Nguyện Josiah lại giới thiệu đến từ TP.HCM, sống tại Thái Nguyên và nghề nghiệp là bác sĩ nha khoa. Đáng chú ý, Facebook Vũ Mão lại giới thiệu bản thân đang cô đơn và đang đi tìm hạnh phúc.

Ông Huy cho hay, qua thông tin mà bạn bè cung cấp thì thủ đoạn lừa đảo của Facebook này cũng giống như Facebook Nguyện Tran. Đáng chú ý, trong các tin nhắn gửi cho các nạn nhân, Facebook Tran Nguyen Josiah có đưa ra một bằng lái xe do Mỹ cấp nhưng giả mạo bằng hình ảnh của ông Huy, tên trên bằng lái tên là Josiah Nguyen.

lua 2 Các Facebook lừa đảo

Ông Huy cũng thông tin thêm, hình thức, thủ đoạn mà bọn tội phạm này nhắm vào lừa đảo là những phụ nữ có tuổi, có tiền của, đa phần mù công nghệ... Khi bị lừa thì không dám đứng ra tố cáo, vì sĩ diện, vì sợ chồng con biết chuyện đã rồi. “Đáng chú ý, một thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi là khi gạ gẫm được tình cảm thì các Facobook này sẽ hứa hẹn và vẽ ra nhiều viễn cảnh để chiếm đoạt tiền tài sản của các nạn nhân. Các Facebook này mạo danh tôi là một bác sỹ đang làm việc cho một tổ chức quốc tế làm việc thiện nguyện, đang vận chuyển hàng tài trợ y tế, vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam. Tuy nhiên, khi về đến Việt Nam thì bị trục trặc, cần số tiền lớn để lấy ra. Sau đó, các Facebook này lợi dụng lòng tham của nạn nhân để lừa chuyển tiền... Gần đây nhất, một trong các Facebook giả sử dụng hình ảnh thông tin nói tôi đang nhiễm Covid nặng, nằm bệnh viện, cần vay mượn tiền và đề nghị các nạn nhân chuyển tiền”, ông Huy nói thêm.

Quá bức xúc trước hành vi của các Facebook mạo danh, ông Huy phát hiện, các Facebook giả mạo được khởi tạo từ địa chỉ IP ở Hà Nội, TP.HCM, Bình Thuận và có một nhóm đối tượng đứng sau để lừa đảo. Ông Huy cũng phát hiện, các Facebook này còn dùng các công nghệ cao để lồng khuôn mặt, giọng nói của ông Huy để lấy lòng tin của các nạn nhân.  

Hack nhiều tài khoản Facebook để lừa đảo

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội, với chiêu thức này, rất nhiều người đã bị sập bẫy, Facebook không cánh mà bay ngay lập tức. Cụ thể, trên Facebook xuất hiện một đường link kêu gọi bình chọn (vote) cho một chương trình thiếu nhi. Các đường link này được gửi từ những người trong danh sách bạn bè hoặc đăng tải trên newsfeed của nhiều người với nội dung rất chân thật "Bé nhà em đang thi cuộc thi này, mọi người vote cho bé nhé...".

Thế nhưng, khi click vào đường link trên bạn sẽ được dẫn đến một trang web yêu cầu cung cấp thông tin, đăng nhập mật khẩu Facebook. Khi đã lấy được tài khoản Facebook của nạn nhân, những kẻ này lại tiếp tục đăng tải đường link trên. Đồng thời nhắn tin cho các người quen của nạn nhân để giở chiêu trò vay mượn vì khó khăn mùa dịch.

Rất nhiều fanpage, hội group lớn nhỏ trên Facebook đang đồng loạt lên tiếng về vấn đề này. Người dùng Facebook cần cảnh giác với những đường link lạ, không liên kết bằng các tài khoản cá nhân và tuyệt đối không cung cấp thông tin trên bất kỳ website nào có dấu hiệu đáng ngờ.

Về vấn đề này, mới đây, Công an TP.HCM cũng vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố 5 bị can: Lê Hải Long (SN 1987), Cao Trần Duy Hân (SN 1999), Mai Nhật Minh (SN 2001), Hoàng Minh Quân (SN 2002) và Nguyễn Minh Đức (SN 2001) cùng quê Quảng Trị về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

lua 3 Các phương tiện công nghệ cao nhóm đối tượng Lê Hải Long dùng để lừa đảo.

Tháng 3/2020, vừa chấp hành xong án phạt tù, Lê Hải Long rủ Hân, Quân, Minh, Đức đến thuê nhà tại quận Gò Vấp để ở. Tháng 5/2020, Long bàn với cả nhóm tiếp tục thực hiện "nghề cũ", chiếm đoạt tài sản thông qua mạng Internet và được cả nhóm đồng ý. Theo phân công, Long và Minh sẽ hack (chiếm quyền-PV) tài khoản Facebook của người khác.

Sau đó, các đối tượng sẽ sử dụng các Facebook đã bị đánh cắp trước đó, mạo danh chủ tài khoản nhắn tin liên lạc bạn bè, người thân của chủ tài khoản nhờ chuyển tiền để trả nợ, mua hàng, chuyển tiền từ nước ngoài về làm từ thiện hoặc chuyển tiền nhanh thông qua tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt. Nhiệm vụ của Đức là ra các trụ ATM của các ngân hàng rút tiền về đưa Long để chia nhau tiêu xài.

Chỉ trong 2 tháng (từ tháng 5 đến 7/2020), các đối tượng đã chiếm đoạt được 40 tài khoản Facebook và sử dụng 3 tài khoản để lừa đảo. Cơ quan điều tra xác định, trong vụ án này Lê Hải Long có vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Trước các thủ đoạn lừa đảo nói trên, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, đơn vị đã xác minh, xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; ngăn chặn, vô hiệu hóa hàng trăm đường link, tài khoản trên mạng xã hội có nội dung lừa đảo. Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, cá nhân sử dụng mạng xã hội cần luôn tỉnh táo, cảnh giác.

Luật sư Lê Quang (Văn phòng luật sư Lê Quang) cho biết, căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì hành vi giả mạo trang Facebook của cá nhân khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 20-30 triệu đồng. Trường hợp thực hiện hành vi giả mạo Facebook của người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS với mức hình phạt cao nhất là tù là chung thân.

NGUYỄN NAM
Bạn đang đọc bài viết "Cảnh báo lừa đảo qua mạng trong mùa Covid" tại chuyên mục ASEAN NEWS. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email info.vstarmedia2018@gmail.com