“Quýt làm, cam chịu”: Vùng đất này trở thành trung tâm Internet toàn cầu nhưng khu vực láng giềng phải trả giá

20/04/2024 05:00

Lượng điện năng tiêu thụ ở trung tâm Internet toàn cầu tại Bắc Virginia đã khiến các nhà máy điện than ở các vùng xung quanh đó phải vận hành hết công suất với những cột khói không ngừng nhả vào không trung.

“Quýt làm, cam chịu”: Vùng đất này trở thành trung tâm Internet toàn cầu nhưng khu vực láng giềng phải trả giá- Ảnh 1.

Một chiếc trực thăng bay lượn trên trang trại của gia đình Gee. Tiếng ồn ào từ động cơ máy bay vang vọng khắp những ngôi nhà ở vùng nông thôn của Tây Virginia. Chúng chở các nhà khảo sát đang đi tìm kiếm không gian cho một đường dây điện mới. Chúng sẽ nối các nhà máy điện than của bang với khu vực Bắc Virginia, nơi đang trở thành trung tâm Internet của thế giới.

Ở Bắc Virginia có những trung tâm dữ liệu khổng lồ, xử lý 70% lưu lượng kỹ thuật số toàn cầu. Đổi lại, chúng ngốn điện với tốc độ mà các quan chức giám sát mạng lưới điện mô tả là không bền vững trừ khi phải xây dựng hàng trăm dặm đường dây truyền tải mới và thay thế các nhà máy điện than bằng thứ năng lượng sạch hơn.

Mary Gee, một chủ đất nằm tiếp giáp với 2 đường dây điện lớn cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu, nói rằng: “Tình trạng này không đúng. Những đường dây điện này không dành cho gia đình tôi. Tôi không bỏ phiếu cho chúng. Trong khi đó, các trung tâm dữ liệu thậm chí còn chẳng nằm ở Tây Virginia. Chúng nằm ở một bang khác”.

“Quýt làm, cam chịu”: Vùng đất này trở thành trung tâm Internet toàn cầu nhưng khu vực láng giềng phải trả giá- Ảnh 2.

Gia đình nhà Gee đứng dưới các đường dây điện.

Các đường dây điện sẽ được xây dựng trên khắp 4 tiểu bang trong một kế hoạch trị giá 5,2 tỷ USD. Chúng dựa hoàn toàn vào các nhà máy điện than, vốn đang chịu áp lực phải đóng cửa. Thế nhưng, chúng vẫn đang là chìa khoá để đảm bảo an toàn lưới điện trong bối cảnh nhu cầu tăng vọt hiện nay.

Đi xuyên qua các trang trại và khu dân cư, kế hoạch này tập trung vào vùng Bắc Virginia, nơi ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu luôn cần thêm năng lượng. Do chưa có đủ cơ sở hạ tầng năng lượng xanh được kết nối với lưới điện nên nhiệt điện vẫn là chủ lực cho ngành này. Tới năm 2030, trung tâm dữ liệu, xe điện và các ngành công nghiệp khác sẽ ngốn lượng điện đủ dùng cho 32 triệu hộ gia đình.

Hiện tại, có 300 trung tâm dữ liệu khủng ở Virginia. Việc Amazon Web Services muốn mở rộng trung tâm dữ liệu trị giá 35 tỷ USD khiến quy mô ở đây càng trở nên khổng lồ. Đó là khoản doanh thu rất lớn của các địa phương dù chúng ngốn lượng điện gấp 50 lần so với một toà nhà văn phòng thông thường.

Người ta nói rằng các dự án năng lượng xanh, bao gồm điện gió và điện mặt trời đang được triển khai. Thế nhưng, không ai biết khi nào chúng mới có thể hoà vào lưới điện và giảm công suất hoạt động của các nhà máy điện than.

“Quýt làm, cam chịu”: Vùng đất này trở thành trung tâm Internet toàn cầu nhưng khu vực láng giềng phải trả giá- Ảnh 3.

Cho tới lúc đó, khói từ hai nhà máy nhiệt điện dùng than gần biên giới Tây Virginia với Pennsylvania vẫn bay qua thành phố Morgantown, khiến bầu không khí ở đây bị nhuộm nâu. Ngay cả khi được trang bị công nghệ thu giữ carbon, chúng vẫn nằm trong số những nhà máy ô nhiễm nhất của bang.

Theo dữ liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, nhà máy Harrison đã thải ra tổng cộng 12 triệu tấn chất gây ô nhiễm than như lưu huỳnh và oxit nitơ vào năm 2023, nhiều hơn bất kỳ nhà máy nhiên liệu hóa thạch nào khác trong bang. Nhà máy Fort Martin, hoạt động từ cuối những năm 1960, đã thải ra lượng oxit nitơ cao nhất bang vào năm 2023, ở mức 5.240 tấn.

Và khi các đường điện được lên kế hoạch xây dựng, các nhà máy điện than cũng hoãn dự định giảm lượng khí thải nhà kính mà họ đã đề ra trước đó. Lý do đơn giản là vì 2 nhà máy này rất quan trọng để duy trì độ tin cậy của mạng lưới điện, vốn là then chốt cho một ngành công nghiệp hái ra tiền.

“Quýt làm, cam chịu”: Vùng đất này trở thành trung tâm Internet toàn cầu nhưng khu vực láng giềng phải trả giá- Ảnh 4.

Và ngành công nghiệp than trong vùng cũng lấy đó làm niềm vui. Họ lập luận rằng việc duy trì các nhà máy nhiệt điện này sẽ giữ hàng trăm nghìn việc làm trong ngành khai thác mỏ.

Tuy nhiên, kế hoạch này cũng gặp nhiều sự phản đối, nhất là của người dân địa phương. Những người chỉ trích nói rằng mạng lưới này sẽ khiến người dân sống gần các nhà máy nhiệt điện phải sống trong tình trạng ô nhiễm độc hại. Điều trớ trêu nhất là chúng được dùng để đáp ứng nhu cầu ở Bắc Virginia, nơi hoàn toàn sử dụng năng lượng sạch.

Tham khảo: Washington Post

Bạn đang đọc bài viết "“Quýt làm, cam chịu”: Vùng đất này trở thành trung tâm Internet toàn cầu nhưng khu vực láng giềng phải trả giá" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email info.vstarmedia2018@gmail.com