Cánh đồng lầy lội trở thành nhà máy Intel: Đối thủ của Việt Nam trong ngành bán dẫn có sức hút thế nào?

01/04/2024 12:16

Malaysia từng là Thung lũng Silicon của phương Đông cho đến khi Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc vượt lên trong ngành công nghiệp chip. Nước này đang lấy lại hào quang của mình.

Malaysia lấy lại hào quang thế kỷ trước

Malaysia đã có một hệ sinh thái sản xuất chip khá hoàn thiện.

Năm 1972, cánh đồng lúa lầy lội ở Penang đã trở thành cơ sở sản xuất đầu tiên bên ngoài nước Mỹ của Intel. Sức hút từ khu vực thương mại tự do mới và cảng vận chuyển sầm uất ở eo biển Malacca đã khiến Intel cùng với AMD, Renesas (trước đây là Hitachi), Keysight Technologies (trước đây là Hewlett-Packard) và một số tập đoàn công nghệ đa quốc gia khác rót vốn đầu tư và trở thành những người tiên phong cho nơi từng được gọi là "Thung lũng Silicon của phương Đông".

Kể từ đó đến nay, Intel đã đầu tư hơn 5 tỷ USD vào nước này kể từ đó. Cùng nhau, các công ty chip này đã biến Malaysia thành một trung tâm bán dẫn, đóng góp tới 23% thương mại bán dẫn của Mỹ vào năm 2022.

Hệ sinh thái bán dẫn hoàn thiện ở mức cao của Malaysia khiến nước này trở thành điểm đến hàng đầu. Năm 2022, Advanced Semiconductor Engineering, công ty APT lớn nhất thế giới, bắt đầu xây dựng một cơ sở lắp ráp chất bán dẫn mới ở Penang. Cũng tại thành phố này, Intel đã bắt đầu xây dựng nhà máy đóng gói chip 3D tiên tiến đầu tiên ở nước ngoài, trong khi Bosch đã mở một trong những cơ sở thử nghiệm tiên tiến nhất châu Á vào tháng 8 năm ngoái.

Hai tháng sau, Micron khánh thành nhà máy lắp ráp tiên tiến tại nước này và sẽ đầu tư thêm 1 tỷ USD trong vài năm tới. Dòng đầu tư vào chip này mạnh đến mức DHL Express đang xây dựng các trung tâm hậu cần mới quanh Penang.

Hiện tại, Malaysia chiếm 13% dịch vụ APT (bao gồm lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm) của thế giới.

Malaysia có thể tận dụng sức mạnh ngày càng tăng của mình ở giai đoạn back-end của chuỗi cung ứng chip để thu hút đầu tư sản xuất front-end. Với cụm APT được thiết lập tốt, Malaysia có thể thúc đẩy mạnh mẽ các nhà sản xuất chip về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

Lĩnh vực bán dẫn của Malaysia được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh bắt đầu từ nửa cuối năm 2024 khi nền kinh tế toàn cầu tăng tốc quá trình phục hồi, theo báo cáo từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia (MSIA).

Chủ tịch MSIA Datuk Seri Wong Siew Hai cho biết doanh số bán dẫn toàn cầu giảm 8,2% xuống còn 527 tỷ USD vào năm 2023, nhưng thị trường Malaysia vẫn duy trì được đà tăng trong suốt cả năm.

Thách thức từ đối thủ trong khu vực

Mặc dù có nhiều lợi thế, thách thức chính của Malaysia vẫn nằm ở nguồn nhân lực. Tình trạng thiếu hụt nhân viên kỹ thuật của Malaysia khá trầm trọng. Tình trạng thiếu nhân lực thậm chí còn khiến một số nhà sản xuất chip trong nước đang phải từ chối những khách hàng tiềm năng.

Theo SCMP, Malaysia phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động khoảng 1,2 triệu công nhân.

Ông Zafrul, Bộ trưởng Thương mại, cho biết chỉ riêng lĩnh vực điện và điện tử đã cần 50.000 kỹ sư, nhưng chỉ có 5.000 sinh viên kỹ thuật tốt nghiệp mỗi năm.

Malaysia phải tập trung mạnh mẽ vào việc tăng cường đầu tư nếu không sẽ "thua" trước các đối thủ trong khu vực, Bộ trưởng thương mại Zafrul cho biết thêm. Việt Nam và Ấn Độ đang xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình, được hưởng nhiều ưu đãi từ chính phủ và có nhiều kỹ sư lành nghề hơn.

Bên cạnh đó, Nghị sĩ Malaysia Liew Chin Tong cũng chỉ ra, đất nước này có đủ nhân tài – vấn đề là lương thấp.

Mức lương kỹ sư, đặc biệt là đối với sinh viên mới tốt nghiệp, vẫn thấp hơn hầu hết các lĩnh vực chuyên môn khác ở Malaysia. Cụ thể, mức lương trung bình cho các kỹ sư và kỹ thuật viên trong lĩnh vực sản xuất của Malaysia là 460 USD vào năm 2021 so với 1.500 USD ở Singapore. Sự chênh lệch đó đã khiến "chất xám" của Malaysia liên tục chảy máu.

Tệ hơn nữa, lương thấp tiếp tục ngăn cản sinh viên Malaysia theo đuổi giáo dục STEM trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Ví dụ: tỷ lệ kỹ sư trên dân số của Malaysia đứng ở mức 1 trên 170 vào cuối năm 2022, trong khi tỷ lệ trung bình ở các nước phát triển là khoảng 1 trên 100.

Một số biện pháp giải quyết tình hình đã được đưa ra. Ở cấp độ trong nước, chính phủ Malaysia đã tài trợ cho Học viện Công nghiệp GBS Penang để tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong việc mở rộng nguồn nhân tài kỹ thuật của đất nước. Kế hoạch tổng thể công nghiệp mới năm 2030 đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi mức lương trung bình trong ngành sản xuất vào năm 2030.

Trong khi đó, ở cấp độ quốc tế, Malaysia và Mỹ đã đồng ý tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng thông qua các nỗ lực chung trong hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực.

Bạn đang đọc bài viết "Cánh đồng lầy lội trở thành nhà máy Intel: Đối thủ của Việt Nam trong ngành bán dẫn có sức hút thế nào?" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email info.vstarmedia2018@gmail.com