Tín hiệu lạc quan cho ngành kinh doanh bất động sản

03/12/2022 20:01

11 tháng, gần 4,19 tỷ USD từ nhà đầu tư nước ngoài "chảy" vào ngành kinh doanh bất động sản và có hơn 8.200 doanh nghiệp thuộc ngành này thành lập mới. Đây là những số liệu cho thấy sức hút, tín hiệu lạc quan của ngành dù thị trường đang ảm đạm.

Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, sau 11 tháng, ngành kinh doanh bất động sản (BĐS) đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn gần 4,19 tỷ USD, chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Sau 11 tháng, kinh doanh BĐS có 8.202 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, 1.081 DN giải thể. So với cùng kỳ năm 2021, kinh doanh bất động sản có 6.713 DN thành lập mới, 751 giải thể. Cùng kỳ năm 2020, kinh doanh bất động sản 6.087 DN, 885 DN giải thể.

Từ số liệu này có thể thấy, dù thị trường đang trầm lắng bởi dòng tiền trục trặc, nhiều DN đã cắt giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy để "cầm hơi", song, như nhiều chuyên gia đã nhận định, thị trường vẫn dành cơ hội cho những DN có tiềm lực và kế hoạch tài chính dài hạn.

 Tín hiệu lạc quan cho ngành kinh doanh bất động sản  - Ảnh 1.

Sau 11 tháng, kinh doanh BĐS có 8.202 DN thành lập mới. Ảnh: AG

Vẫn là kênh đầu tư an toàn

Trao đổi với Nhadautu.vn về vấn đề nhiều doanh nghiệp ngành BĐS vẫn được thành lập dù thị trường đang trầm lắm, ông H.N, chuyên gia BĐS độc lập cho biết, thị trường đang rất trầm lắng, giao dịch "xuống đáy", sản phẩm nhiều nhưng ít người mua.

Tuy nhiên, đối với BĐS, đây vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên hàng đầu bởi tính an toàn và lợi nhuận. Lợi nhuận từ BĐS cao chính là sức hấp dẫn khiến nhiều DN trong lĩnh vực này được thành lập.

"Nhà đầu tư, khách hàng có tiền nhàn rỗi mua một mảnh đất rồi để đó vài năm là có thể sinh lời. Việc sinh lời từ BĐS hấp dẫn hơn rất nhiều so với ngành nghề khác. Mà như chúng ta thấy, ở thời điểm này, giá bất động sản vẫn không hề giảm, nhất là ở phân khúc căn hộ...", ông H.N nói.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam trong khoảng 6 năm gần đây đang phát triển, mức thu nhập bình quân đầu người cũng đang được cải thiện, tầng lớp người có tiền mới cũng tăng lên. Từ đây kéo theo nhu cầu về nhà ở, đầu tư BĐS.

Ngay cả trong "cơn bão" COVID-19, nền kinh tế ảnh hưởng trầm trọng nhưng BĐS vẫn phát triển, giá nhà ở vẫn không ngừng tăng. Có chăng, từ giữa năm nay, khi động thái siết tín dụng của cơ quan Nhà nước mới ảnh hưởng rõ nét đến thị trường.

Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, BĐS vẫn là kênh đầu tư sinh lời rất tốt. Thêm nữa, một yếu tố quan trọng khiến DN thành lập mới ở lĩnh vực BĐS vẫn rất cao, đó chính là nhu cầu, nhu cầu về nhà đất vẫn rất lớn, đặc biệt là phân khúc vừa túi tiền.

Trong khi đó, ông N.P.Q, Giám đốc DN địa ốc TP.HCM chia sẻ, dù DN đang gặp vô số khó khăn nhưng chúng ta cũng nên nhìn thẳng vào thực tế đó là một DN nào đóng cửa lại chính là cơ hội cho những DN mới thành lập. Lĩnh vực nào cũng vậy, không riêng gì ngành kinh doanh BĐS.

"DN kinh doanh BĐS đang ở trong môi trường rất sòng phẳng. Đối với lĩnh vực BĐS, các DN cũng rất khác nhau về cách vận hàng, chiến lược marketing, định hướng kinh doanh, phân khúc chủ đạo... Và có một điều tạo nên sức hấp dẫn của BĐS đó chính là lợi nhuận. Lợi nhuận mang lại từ BĐS là sức hấp dẫn khó chối từ và nhận được nhiều sự quan tâm", ông N.P.Q cho hay.

Một yếu tố khác là tính ổn định và duy nhất. Hiện nay, với tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ổn định, quy hoạch đang được điều chỉnh, tốc đô thị hóa ở Việt Nam đang đẩy mạnh và còn chưa hoàn chỉnh. Số m2 nhà ở/dân số ở Việt Nam vẫn đang còn thấp so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, dư địa ngành BĐS, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đang còn rất lớn. Các DN mới họ nhìn thấy cơ hội và sẵn sàng tham gia thị trường.

Bên cạnh đó rủi ro về BĐS ít hơn các lĩnh vực, nó chỉ có ở những sản phẩm từ chủ đầu tư làm ăn chộp giật, kém uy tín. Còn lại, khi nhà đầu tư, khách hàng mua từ những chủ đầu tư tên tuổi, uy tín, dự án pháp lý minh bạch thì sản phẩm đó chỉ có tăng hoặc đi ngang mà không giảm giá. Giá BĐS trung trung bình tăng khoảng 10%/năm.

Nếu như sở hữu các sản phẩm ở những nơi quy hoạch, hạ tầng giao thông phát triển thì có thể tăng từ 20-30%, thậm chí là 50%/năm. Đây chính là tính dài hạn của BĐS mà không phải ngành nghề nào cũng có được.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, khi tham gia vào thị trường các DN đặc biệt quan tâm về năng lực tài chính, bởi hiện nay các kênh huy động vốn đều gặp khó khăn và còn có thể kéo dài đến hết năm 2023. Song song, DN cũng phải lựa chọn một phân khúc nhất định để phát triển và đặc biệt là phù hợp với khả năng thanh toán của nhà đầu tư và đáp ứng nhu cầu ở thực.

DN nổ lực vì chữ tín

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho biết, để vực dậy thị trường trong bối cảnh hiện nay, các DN cần đảm bảo uy tín, thương hiệu và trách nhiệm với khách hàng, bàn giao nhà đúng tiến độ, đúng chất lượng cam kết. Đây là thời điểm mà năng lực của DN đang được kiểm tra và thị trường đang trong giai đoạn sàng lọc mạnh mẽ.

Thời điểm này, các DN phát triển dòng sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu sẽ được khách hàng lựa chọn. Nhưng để có thanh khoản tốt thì sản phẩm phải có pháp lý rõ ràng, có giá cả hợp lý, đáp ứng tiến độ như cam kết... Đảm bảo tiến độ xây dựng dự án đúng cam kết là một trong những yếu tố quan trọng để ổn định tâm lý người mua nhà trong giai đoạn khó khăn.

Một số DN địa ốc TP.HCM vẫn duy trì tiến độ các dự án xây dựng và đưa về đích như cam kết với khách hàng. Còn một DN khác lại đang chuẩn bị kế hoạch cho năm sau để đưa ra nhiều sản phẩm thiết thực hơn.

Đơn cử như Nam Long vẫn đang duy trì tiến độ triển khai dự án đúng cam kết, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người mua. Hiện 3 dự án chủ lực Nam Long đang triển khai tại TP.HCM và Long An là Akari City, Mizuki Park và Waterpoint Bến Lức vẫn đáp ứng tiến độ xây dựng.

Trong đó, dự án Akari City (quận Bình Tân) sau khi hoàn thiện bàn giao nhà giai đoạn 1 hiện đã hoàn thành đóng nắp hầm theo đúng tiến độ tổng thể của giai đoạn 2. Dự kiến, 4 block của giai đoạn này sẽ đi vào bàn giao cho khách hàng như cam kết là vào quý III/2024.

Dự án KĐT Mizuki Park (huyện Bình Chánh) cũng hoàn thiện bàn giao nhiều dự án thành phần. Riêng căn hộ Flora Panorama đang đi vào hoàn thiện xây dựng và chuẩn bị bàn giao giai đoạn 1, giai đoạn 2 đang xây dựng theo đúng lộ trình đã đề ra.

Tại Long An, Nam Long cũng hoàn thiện bàn giao và đón cư dân vào sinh sống tại các block đầu tiên thuộc giai đoạn 1 dự án EHome Southgate nằm trong khu đô thị Waterpoint. Giai đoạn 2 của dự án này cũng đang được xây dựng và về đích trong thời gian tới.

Trong khi đó, Vạn Phúc Group đã dời kế hoạch mở bán dự án căn hộ cao cấp nằm trong Khu đô thị Vạn Phúc trong năm nay sang năm 2023. Thay vào đó, tập đoàn tiếp tục tập trung vào hoàn thiện xây dựng các hạng mục tiện ích và dịch vụ, không đẩy mạnh bán hàng trong năm nay mà chờ đợi các diễn biến trong năm 2023 để có kế hoạch chi tiết hơn...

Thắng Lợi Group cũng đang dành thời gian còn lại của năm 2022 cho việc tái cấu trúc, tiếp tục mở rộng quỹ đất nhằm chuẩn bị nguồn lực khi thị trường sôi động trở lại. Đồng thời, DN cũng nâng cấp sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, tập trung vào phân khúc vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu ở thực. Năm 2023, DN sẽ phát triển thêm dòng sản phẩm chung cư vừa túi tiền.

Bạn đang đọc bài viết "Tín hiệu lạc quan cho ngành kinh doanh bất động sản" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email info.vstarmedia2018@gmail.com