Lãi suất tiết kiệm vượt 8%/năm

28/09/2022 20:01

() - Mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi tăng nhanh tại nhiều ngân hàng tư nhân, có nơi lên đến trên 8%/năm.

Sau một tuần Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động, thiết lập mặt bằng mới. Đặc biệt, lãi suất tiền gửi đã vượt mốc 8%/năm ở nhiều ngân hàng cổ phần, không phân biệt quy mô. 

Cụ thể, lãi suất tại ngân hàng số Cake by VPBank cao nhất đã lên tới 8,2%/năm cho kỳ hạn 36 tháng đối với các khoản tiền gửi có giá trị trên 300 triệu đồng từ ngày 27/9. Với kỳ hạn 12 tháng, đơn vị này niêm yết lãi suất cố định 7,7%/năm và lãi suất bậc thang 8%/năm đối với số tiền gửi trên 300 triệu đồng.

Tại nhiều ngân hàng tư nhân thuộc nhóm dưới, mức lãi suất huy động hầu hết vượt 7%/năm.

Từ ngày 26/9, DongA Bank thông báo lãi suất huy động cao nhất lên đến 7,6%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng. Nếu giá trị tiền gửi trên 1 tỷ đồng, ngân hàng này còn cộng thêm lãi suất 0,19%/năm cho khách hàng. Đặc biệt, với số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên, biên độ cộng thêm lên tới 0,5%/năm, tổng mức lãi suất lên tới 8,1%/năm.

VietA Bank công bố lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 tháng lên tới 7,8%/năm. Tại CBBank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên ở ngưỡng 7,5%/năm. VietCapital Bank cũng áp dụng lãi suất 7,5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng nhưng kèm điều kiện mức tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên.

Lãi suất tiết kiệm vượt 8%/năm - 1

Nhiều ngân hàng tư nhân đã áp dụng mức lãi suất tiền gửi trên 7%/năm, có nơi vượt 8%/năm với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên (Ảnh: Mạnh Quân).

Các ngân hàng OCB, Saigon Bank, SCB cũng công bố biểu lãi suất mới với mức cao nhất ở ngưỡng 7,3%-7,35%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng đối với khách hàng cá nhân. Còn ở Ocean Bank, lãi suất huy động cao nhất đạt 7,2%/năm với kỳ hạn 18 tháng. Còn Kienlongbank hay NCB duy trì lãi suất quanh mức 7,1%-7,15%/năm với các kỳ hạn dài 24 tháng.

Các ngân hàng tư nhân có quy mô tài sản thuộc nhóm giữa như Sacombank, SHB, HDBank, VIB lãi suất huy động cao nhất cũng đã chạm mốc hoặc thậm chí vượt 7%/năm ở các kỳ hạn dài với một số điều kiện.

Trong nhóm ngân hàng tư nhân top đầu như ACB, Techcombank, lãi suất cao nhất ở mức 6,5-6,9%/năm. Đặc biệt, VPBank công bố mức lãi suất cao nhất lên tới 7,7%/năm đối với các khoản tiền gửi theo hình thức trực tuyến có giá trị trên 50 tỷ đồng.

Trong khi đó, 4 ngân hàng có vốn Nhà nước Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank cũng đã công bố mức lãi suất huy động mới, bình quân 6,4%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.

Không chỉ chịu ảnh hưởng của đợt tăng lãi suất điều hành vừa qua, các ngân hàng cũng đang đứng trước áp lực chạy đua huy động vốn với kỳ hạn dài để đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10 tới.

Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng thương mại sẽ không được vượt quá 34%, giảm 3% so với mức 37% hiện nay. Mức trần 34% sẽ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng trong vòng một năm trước khi tiếp tục giảm còn 30% vào thời điểm 10/2023 theo lộ trình đã công bố.

Trong báo cáo phân tích về ngành ngân hàng công bố vào tháng 8, bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Mirae Asset đã dự báo các nhà băng sẽ chấp nhận mức lãi suất huy động cao với kỳ hạn dài để cải thiện tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, đáp ứng theo đúng quy định của cơ quan quản lý.

Bạn đang đọc bài viết "Lãi suất tiết kiệm vượt 8%/năm" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email info.vstarmedia2018@gmail.com