Đại học Bách khoa Hà Nội tự chủ hoàn toàn lương, phụ cấp trả cho nhân viên

07/12/2022 16:01

() - Lương, phụ cấp của cán bộ, giảng viên, nhân viên các trường trực thuộc do Đại học Bách khoa tự chi trả, không gây phát sinh cho ngân sách Nhà nước.

Tự chi trả lương, không sử dụng ngân sách Nhà nước

Hiện nay, Đại học Bách khoa Hà Nội có 1.785 cán bộ, trong đó có 1.065 cán bộ giảng dạy cơ hữu, 805 cán bộ có trình độ tiến sỹ chiếm 76,3%, trong số đó có 279 GS/PGS, chiếm 26,19%. Năm 2022, Trường có 16 Phó giáo sư và 2 Giáo sư được công nhận đạt chuẩn.

Đại học Bách khoa Hà Nội có 3 trường trực thuộc là Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông; Trường Cơ khí; Trường Điện - Điện tử (thành lập năm 2021).

Từng trường trực thuộc của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã có quy mô từ 5.000-8.000 sinh viên, không kém gì một số trường đại học độc lập khác.

Đại học Bách khoa Hà Nội tự chủ hoàn toàn lương, phụ cấp trả cho nhân viên - 1

Dư luận dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc Trường Đại học Bách khoa chuyển thành Đại học Bách khoa. (Ảnh: H.H)

Mô hình của Đại học Bách khoa Hà Nội được nhà trường đánh giá là phù hợp với mô hình của các đại học lớn trên thế giới, trong đó các trường và các viện trực thuộc được phân quyền cao.

Trước đây, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 20 đơn vị chuyên môn (17 viện và 3 khoa). Qua quá trình chuyển đổi thành 3 trường trực thuộc và một số khoa, viện như hiện nay, Đại học Bách khoa Hà Nội đã giảm đi 4-5 đơn vị chuyên môn.

Đáng nói, đề cao tính tự chủ nên lương, phụ cấp của cán bộ, giảng viên, nhân viên các trường trực thuộc đều do Đại học Bách khoa tự chi trả, không gây phát sinh cho ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, vị trí hiệu trưởng các trường trực thuộc không tương đương với hiệu trưởng một trường đại học có tư cách pháp nhân như các trường bên ngoài.

Một điểm quan trọng khác là việc cấu trúc lại các khoa, viện trước đây thành các trường trực thuộc với quy mô lớn hơn sẽ tạo nên tính liên ngành tốt hơn, qua đó giúp phát huy sức mạnh về đào tạo, cũng như nghiên cứu khoa học công nghệ.

Trả lời Báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, việc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành Đại học Bách khoa Hà Nội không phải chỉ thay đổi cái tên, cũng không phải để có một vị thế trong hệ thống.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phân tích: "Quan trọng nhất là bước chuyển này sẽ giúp Đại học Bách khoa Hà Nội có cơ hội đổi mới cấu trúc và hệ thống quản trị bên trong, tăng cường tính phân cấp để thực hiện đúng tinh thần tự chủ và nâng cao hiệu quả trong quản lý, nâng cao vị thế, trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn và các trường trực thuộc.

Từ đó, tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, phát huy sức mạnh của đội ngũ giảng viên, của các đơn vị chuyên môn".

Quan điểm "Một Bách khoa Hà Nội"

Theo lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội, sự chuyển đổi này đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, là sự kế thừa những kết quả và kinh nghiệm của quá trình thực hiện tự chủ suốt thời gian dài ở Bách khoa Hà Nội, được thực hiện với tinh thần quyết liệt, đảm bảo sự phát triển đúng với định hướng, tầm nhìn và chiến lược phát triển của nhà trường qua nhiều thế hệ.

Đại học Bách khoa Hà Nội có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo ở các đơn vị, thực hiện phân cấp tự chủ mạnh nhưng không phân lập, không xây dựng các trường đại học thành viên, thống nhất quan điểm "Một Bách khoa Hà Nội". Quan điểm này thể hiện sự thống nhất về mục tiêu phát triển, giá trị cốt lõi, chuẩn mực và chất lượng của toàn đại học. 

Mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được áp dụng thống nhất với bộ chuẩn chương trình đào tạo và quy chế đào tạo do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định. Người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ đều được cấp văn bằng tốt nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội để đảm bảo sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế và danh tiếng của trường.

Với phương châm "Nhà trường làm nền tảng - Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển - Người học là trung tâm", Đại học Bách khoa Hà Nội có môi trường làm việc quốc tế hóa, nơi hội tụ và phát triển tài năng, thu hút sinh viên ưu tú, học giả xuất sắc trong nước và quốc tế đến học tập, nghiên cứu và làm việc, một trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ xuất sắc của khu vực, tác động quan trọng vào phát triển kinh tế tri thức và góp phần gìn giữ hòa bình đất nước, tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam về xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển mô hình đào tạo chia sẻ trên nền tảng chuyển đổi số hiện đại.

Việc chuyển đổi mô hình thành Đại học Bách khoa Hà Nội để thực hiện tốt sứ mạng, tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển, đưa Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển đột phá, lên tầm cao mới, trở thành đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tự chủ toàn diện, có môi trường học thuật sáng tạo, cởi mở, tự do học thuật, khơi dậy khát vọng cống hiến của cán bộ viên chức, người lao động, sinh viên và học viên toàn đại học, phát huy giá trị văn hóa, bản sắc của con người Bách khoa Hà Nội.

Bạn đang đọc bài viết "Đại học Bách khoa Hà Nội tự chủ hoàn toàn lương, phụ cấp trả cho nhân viên" tại chuyên mục ASEAN NEWS. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email info.vstarmedia2018@gmail.com