Chật vật đấu giá máy bay ATR-72

25/03/2023 16:01

Chiếc ATR-72 của Công ty cổ phần cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) sắp được đấu giá lần thứ 9, với giá khởi điểm giảm gần 40 tỷ đồng.

Tàu bay ATR-72 này được sản xuất năm 2010 thuộc sở hữu của VALC với số đăng bạ VN-B237. Trước đó, máy bay trên được VALC cho VASCO - hãng bay thuộc Vietnam Airlines Group thuê. VASCO dừng khai thác tàu bay hai cánh quạt này vào cuối tháng 6/2022.

Đến tháng 9/2022, chiếc máy bay được đưa ra đấu giá lần đầu tiên với giá khởi điểm gần 175 tỷ đồng. Từ đó đến nay, máy bay ATR-72 này được đưa ra đấu giá nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm được người mua.

Tại lần đấu giá thứ 9 vào ngày 10/4, giá khởi điểm sẽ được giảm khoảng 38 tỷ đồng so với lần đầu tiên, còn 136,6 tỷ đồng, tương đương 5,6 triệu USD. Theo thông báo của đơn vị đấu giá, người tham gia cần nộp hồ sơ và đặt cọc 6,8 tỷ đồng trước ngày 7/4. Người mua có thể xem máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất từ nay đến ngày 4/4.

Với sức chứa khoảng 70 người, tại Việt Nam, ATR-72 chủ yếu đang được Vietnam Airlines, VASCO khai thác trên các chặng bay tới các sân bay nhỏ như Côn Đảo, Điện Biên. Tuy nhiên, Vietnam Airlines cũng đã lên kế hoạch thay thế đội máy bay này bằng tàu bay phản lực khu vực để tối ưu dịch vụ và cạnh tranh hơn.

Một tàu bay ATR-72 biên chế VASCO chuẩn bị hạ cánh vào sân bay Côn Đảo. Ảnh: Hoàng Anh

Một tàu bay ATR-72 biên chế VASCO chuẩn bị hạ cánh vào sân bay Côn Đảo. Ảnh: Hoàng Anh

Trước đây, VALC cũng từng chật vật để thanh lý các máy bay ATR-72. Năm 2016, VALC lần đầu thông báo bán đấu giá 5 tàu bay và dự kiến thu về ít nhất 48 triệu USD. 2 doanh nghiệp Mỹ và Singapore trúng thầu với trị giá 1.150 tỷ đồng (tương đương 52,5 triệu USD với tỷ giá khi đó).

Tuy nhiên, sau khi chuyển đặt cọc 30% vào tài khoản trung gian, hai đối tác liên tục trì hoãn thời gian nhận máy bay do không tìm được khách mua hoặc thuê lại khiến VALC phải huỷ kết quả đấu giá. Hai năm sau đó, VALC mới tìm được đối tác mua 2 trong số 5 tàu bay ATR72-500 là Frabert Capital của Hong Kong với giá khoảng 190 tỷ đồng mỗi chiếc.

VALC chính thức đi vào hoạt động từ năm 2007, xuất phát từ ý tưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Vietnam Airlines nhằm hình thành một công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực mua máy bay để cho các hãng hàng không trong nước thuê lại. Mục tiêu khi thành lập công ty là nhằm tự chủ nguồn máy bay trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường cung cấp máy bay quốc tế.

Theo báo cáo thường niên gần nhất, Vietnam Airlines ghi nhận VALC là công ty liên kết với tỷ sở hữu gần 32,5%. Năm 2021, công ty cho thuê máy bay này lãi trước thuế 15,8 triệu USD.

Anh Tú

Bạn đang đọc bài viết "Chật vật đấu giá máy bay ATR-72" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email info.vstarmedia2018@gmail.com